Cho bé yêu > Thông tin tuyên truyền

Cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc (EQ) cho trẻ

Khi công nghệ ngày càng phát triển, mọi máy mọc đều được chế tạo nhằm giúp đỡ và thay thế con người làm những công việc đơn giản thì chúng ta mới nhận ra được tầm quan trọng của các kỹ năng đời sống và xã hội. Một trong các loại trí thông minh quan trọng trên chính là “trí thông minh cảm xúc”. Vậy trí thông minh cảm xúc là gì, làm thế nào để rèn luyện được kỹ năng này, hãy cùng tham khảo ngay bài viết sau.

1. Trí thông minh cảm xúc là gì? 

Trí thông minh cảm xúc (EQ) được hiểu là khả năng nhận biết cảm xúc của chính bản thân mình và của mọi người xung quanh. Từ đó chúng ta có thể vận dụng những kiến thức trên nhằm điều chỉnh thái độ và hành vi thích hợp nhất. Theo như các nhà nghiên cứu, trí thông minh cảm xúc là kỹ năng cần được học tập và phát triển, trong khi những người khác tin rằng EQ là khả năng bẩm sinh của mỗi người.

Những người được xem là sở hữu chỉ số EQ cao thường có khuynh hướng rất thân thiện, giàu lòng nhân ái và dễ cảm thông. Do đó, họ sẽ là những người có khả năng thành công cao hơn so với các đồng nghiệp hoặc bạn bè xung quanh. Có lẽ vì vậy mà trí thông minh cảm xúc đã trở thành một trong những kỹ năng có giá trị và đáng được học tập nhất hiện nay.

2. Tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ)

EQ có thể là kỹ năng chưa phổ biến nhưng nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng EQ quan trọng hơn IQ. Điều này đã được chứng minh qua việc trí thông minh cảm xúc rất quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cụ thể, trí thông minh cảm xúc sẽ giúp chúng ta:

  • Xây dựng, phát triển, duy trì và tăng cường các mối quan hệ xung quanh
  • Tự ý thức được chính mình, hiểu được điểm mạnh thừa nhận điểm yếu của bản thân và xử lý những lời chỉ trích mang tính xây dựng hơn
  • Thúc đẩy những người xung quanh nhờ vào việc lan tỏa động lực của bản thân
  • Người có EQ cao có thể đồng cảm với người khác một cách dễ dàng hơn
  • Kiểm soát được những cảm xúc của bản thân trong các tình huống cuộc sống

3. 4 năng lực của trí thông minh cảm xúc là gì?

Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng trí thông minh cảm xúc có 4 cấp độ khác nhau bao gồm: nhận biết cảm xúc, khả năng suy luận bằng cảm xúc, khả năng thấu hiểu cảm xúc và khả năng quản lý cảm xúc.

  • Nhận biết cảm xúc: Muốn hiểu về cảm xúc của người khác, chúng ta cần biết nhận thức về cảm xúc đầu tiên. Đây cũng là yếu tố giúp trẻ phát triển tư duy, trí tuệ cảm xúc một cách hoàn thiện nhất.
  • Suy luận bằng cảm xúc: Cảm xúc giúp chúng ta có thể ưu tiên sự chú ý và phản ứng của mình. Vì vậy chúng ta thường có những phản ứng cảm xúc với những thứ thu hút sự chú ý xung quanh chúng ta.
  • Hiểu về cảm xúc: Những cảm xúc mà chúng ta cảm nhận được sẽ có nhiều ý nghĩa. Hiểu được cảm xúc giúp chúng ta dễ dàng quan sát và giải thích được các nguyên nhân gây ra cũng như ý nghĩa của sự tức giận đó.
  • Quản lý cảm xúc: Khả năng quản lý cảm xúc hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong trí thông minh cảm xúc. Bằng cách thực hành điều tiết cảm xúc và phản ứng phù hợp với cảm xúc của người khác, bạn sẽ có thể quản lý cảm xúc của chính mình tốt hơn.

 4. Làm thế nào để phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ) cho trẻ?

Trong cuốn sách “EQ Applied: A real-world approach to emotional intelligence”, tác giả Justin Bariso đã đưa ra 6 phương pháp có thể giúp chúng ta phát triển EQ, đặc biệt là cho trẻ:

  • Nhận diện cảm xúc của bản thân: Đây là cách có thể phát triển năng lực tự nhận thức khá hiệu quả. Hãy tập cho bé suy nghĩ lại các phản ứng của mình để bé tự ý thức các hành động đấy. Điều này giúp bé hình thành khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
  • Hỏi thêm những người xung quanh để có nhiều góc nhìn khác nhau: Tham khảo ý kiến của những người xung quanh để hiểu rõ hơn về cách bộc lộ cảm xúc cá nhân của mình.
  • Suy nghĩ trước khi hành động: Cố gắng tập luyện để biến điều này trở thành thói quen, chúng sẽ giúp bé hạn chế được những hành động trong lúc đang nóng giận hoặc vội vã.
  • Tìm hiểu nguyên nhân vấn đề: Chúng ta đều sẽ có nhiều cảm xúc khi đối diện với những hành vi, cử chỉ của người khác. Lúc này, hãy dạy bé dừng lại và suy nghĩ về nguyên nhân đằng sau hành động ấy. Lúc này, bé sẽ kiểm soát được bản thân hiệu quả hơn.
  • Học hỏi từ những lời chỉ trích: Hãy dạy bé cách lắng nghe để rút ra được nhiều bài học từ các lời chỉ trích của mọi người xung quanh.
  • Không ngừng luyện tập để nâng cao chỉ số EQ: Việc rèn luyện nâng cao EQ là cả một quá trình gian nan. Tuy vậy, nếu bạn có trí thông minh cảm xúc, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn.

5. Bộ sách giúp trẻ đánh thức trí thông minh cảm xúc

Sau đây là 3 cuốn sách về chủ đề trí thông minh cảm xúc bán chạy nhất để bạn có thể hiểu sâu hơn về kỹ năng này:

  • Trí thông minh cảm xúc for dummies: Đây là cuốn sách của tác giả Steven J. Stein nói về sự thông minh dựa trên nhiều phương diện tình cảm, bao gồm khả năng nhận biết cảm xúc của mình cũng như của người khác. Cuốn sách thú vị này sẽ giúp bạn thấu hiểu được cảm xúc của bản thân, từ đó có thể dễ dàng kiểm soát chúng.
  • Trí tuệ xúc cảm: Là cuốn sách của Daniel Goleman nói về trí thông minh cảm xúc một cách rất cụ thể. Những thông tin và luận điểm được viết trong sách chắc chắn sẽ thuyết phục được hầu hết những người đọc.
  • Search Inside Yourself – Tìm kiếm bên trong bạn: Chade-Meng Tan – tác của Search Inside Yourself sẽ là bản tổng hợp lại các kinh nghiệm được đúc kết từ các khóa đào tạo thiền của Google. Qua đó giúp bạn áp dụng được vào chính bản thân mình nhằm rèn luyện, phát triển các kỹ năng của cơ thể.

Nhìn chung, trí thông minh cảm xúc có thể được xem là kỹ năng vô cùng quan trọng giúp chúng ta dễ dàng kết nối với cảm xúc của bản thân và người khác, từ đó biến những ý định thành hành động và đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất.